Kỹ thuật trồng rừng bạch đàn (Eucalyptus)
Đối với trồng rừng sản xuất, tiêu chuẩn quan trọng nhất để chọn cây trồng rừng là hiệu quả kinh tế. Đối với bạch đàn, tuy có giá trị kinh tế kém hơn một số cây gỗ quý như cẩm lai, gỗ mật, sao, dầu, giáng hương… song gỗ dễ tiêu thụ, đưa lại hiệu quả kinh tế nhanh. Ngoài ra chúng còn có một số ưu điểm khác: như dùng trong việc trang trí và đóng các đồ gỗ dùng ở ngoài trời rất bền và tốt, một số loài đoạn thân dưới cành thẳng, dài, không bị mối mọt, nên được dùng trong xây dựng, lá một số loài bạch đàn cho hàm lượng tinh dầu cao và tốt, dùng trong ngành dược điều trị cảm, cúm, xoa bóp….
Trong chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã đưa cây bạch đàn là một trong những cây trồng rừng sản xuất, làm vùng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Bởi, ngoài ưu điểm về sinh trưởng nhanh, bạch đàn còn cho hàm lượng celluloz khá cao (E.camal 7 tuổi có: 48,1%), chiều dài sợi gỗ từ 0,6-1,4mm. Hiệu suất bột của bạch đàn 7 tuổi: 48%).
Có nhiều loại bạch đàn, song chỉ phổ cập khoảng 3-4 loài được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới nói chung và Việt Namnói riêng. Do vậy, để trồng bạch đàn có hiệu quả, vấn đề cần quan tâm và chú ý là chọn loài phù hợp với từng loại đất và từng vùng sinh thái.
Đặc điểm sinh thái
Đối với bạch đàn nói chung và bạch đàn trắng E.camaldulensis và E.tereticornis nói riêng, nhiệt độ thích hợp nhất từ 18-32oC, lượng mưa bình quân 1.400-1.800 mm/năm, độ cao so với mặt biển từ 100 đến 300m, độ dày tầng đất từ 50-100cm, nâu, vàng phù sa bồi tụ thích hợp nhất, thích hợp vừa là nhóm đất chua phèn, ít thích hợp là cát, vùng bán khô hạn, kém thích hợp là nhóm đất mặn, cát di động, đất phèn, mùn trên núi, xói mòn trơ đá. Như vậy ở miền Nam vùng trồng bạch đàn thích hợp nhất là Tây Ninh (87%), còn lại là các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai (46%). Tỉnh có diện tích đất ít thích hợp là Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. HCM (28-37%).