Nhằm mục đích chia sẽ kiến thức, chúng tôi xin gửi đến bà con bài viết: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nhãn lồng cho năng suất cao. Tổng hợp từ những nguồn thông tin đáng tin cậy, có khoa học từ Trung Tâm Khuyến Nông Khuyến Lâm của các tỉnh thành trong cả nước. Mong rằng bà con chúng ta sẽ nắm vững kỹ thuật, xử lý giống cũng như kỹ năng canh tác tốt nhất:
1. CHỌN GIỐNG:
– Nhãn tiêu da bò: Có các giống như tiêu huế, tiêu lá bầu, tiêu đường,… là những giống nhãn đang được nhà vườn ưa chuộng do có nhiều ưu điểm như cây phát triển nhanh, năng suất cao, dễ xử lý ra hoa trái vụ, 2 năm có thể cho 3 vụ trái. Trái chín có màu da bò, cơm khá dày hơi dai, ít nước, ngọt vừa, ít mùi thơm.
– Nhãn long: Là giống nhãn dễ trồng, cho năng suất cao, mỗi năm cho 2 vụ trái; nhưng phẩm chất không cao, không được ưa chuộng do hạt to, cơm mỏng, nhiều nước,…
– Nhãn giồng da bò: Trồng chủ yếu ở những vùng đất cát giồng, là giống nhãn có phẩm chất khá ngon, cơm ráo, dày cơm. Nhãn giồng mỗi năm chỉ cho 1 vụ trái nên năng suất không cao.
– Nhãn xuồng cơm vàng được bà con khá ưa chuộng do rất dày cơm, trái to nhưng năng suất cũng không cao.
Ngoài ra còn có các giống nhãn khác như Super, nhãn hồng, thái long tiêu, Dona, Hưng Yên, Nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn nước, nhãn Vĩnh Châu,… Giống nhập nội: Đại Ô Viên, nhãn Thạch Hiệp (Trung Quốc),…
2. NHÂN GIỐNG:
– Gieo hạt: (chủ yếu để làm gốc ghép) Hạt lấy về cần xử lý gieo ngay. Ngâm hạt nửa ngày, vớt ra, ngâm vào nước vôi trong, sau 2-3 giờ vớt ra, ủ vào đất cát ẩm 2-4 ngày. Khi ngâm hạt nhú ra đem gieo.
– Chiết cành: Là phương pháp nhân giống phổ biến nhất vì cây chiết có nhiều ưu điểm như mau cho trái, cây con giữ được đặc tính tốt của cây mẹ, có bộ rễ ăn cạn nên thích hợp với vùng đất có mực thủy cấp cao như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, cây chiết cũng có mặt hạn chế là cây mau già, dễ bị đổ ngã nếu bị gió bão vì bộ rễ ăn cạn, phương pháp này có hệ số nhân giống thấp,…
– Cách chiết cành: Chọn cây mẹ có năng suất cao, ổn định, có phẩm chất tốt, ít sâu bệnh. Chọn cành bánh tẻ (tiếp giáp phần già và phần non), không sâu bệnh từ nửa tán cây trở lên ngọn. Nếu chọn cành trong tán cây, cành vượt, thì sẽ lâu ra rễ, cây con khi đem đi trồng sẽ chậm phát triển. Dùng dao bén khoanh vỏ đoạn cành định chiết, bề rộng vết khoanh 1-2cm, cách ngọn cành 0,5-1m tùy theo giống. Đối với giống sinh trưởng mạnh thì chiết cành nhỏ, ngắn, còn giống sinh trưởng chậm thì chiết cành lớn hơn. Bóc hết vỏ đoạn cành vừa khoanh, cạo sạch rồi dùng lá nhãn hoặc nylon quấn kín đoạn khoanh lại, một tuần sau lấy nylon ra và bó bầu. Bầu đất có thể làm bằng rơm trộn bùn non hoặc rễ lục bình, bột xơ dừa, tro trấu trộn phân mục,… Trong mùa mưa, dùng mụn xơ dừa có lợi thế là lâu mục và không quá ẩm thích hợp cho rễ phát triển. Sau 2-2,5 tháng kể từ khi bó bầu ta thấy rễ mọc ra, khi rễ có màu vàng nâu là có thể cắt xuống giâm trong bầu đất hoặc giỏ tre, 15-30 ngày sau cây con sẽ ra đọt non trở lại. Đợi đến khi đọt này già đi mới đem trồng. Bầu đất để giâm cây con nên trộn với mụn xơ dừa, một ít phân chuồng hoai mục giúp cây mau bén rễ. Cành chiết trước khi vô bầu đất nên được cắt bớt lá, mỗi cành chỉ chừa 2-3 cặp lá chét.
– Tháp bo: Đây là phương pháp đang được nông dân sử dụng để cải tạo những vườn nhãn cũ. Thường tháp bo nhãn tiêu da bò hoặc nhãn xuồng lên gốc long nhãn, sau khi xác định việc tháp bo đã thành công thì tiến hành cắt bỏ toàn bộ tán cây nhãn long phía trên chỗ tháp. Cây nhãn long 1-2 năm tuổi thì có thể tháp trực tiếp lên gốc, cây lớn hơn thì tháp lên cành, nhưng không nên tháp ở vị trí cao và cành lớn vì dễ bị tét, gãy nhánh sau này. Đối với gốc nhãn già thì cưa gốc để cây mọc tược non, khi các tược này già thì tháp bo lên được. Cành phát triển từ bo được tháp sẽ tăng trưởng nhanh gấp 2-3 lần so với trồng bằng cây con.
3. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY:
– Chuẩn bị đất trồng: Bộ rễ nhãn chịu nước kém, nếu bị ngập trong thời gian dài sẽ bị thối rễ, chết cây. Do đó, muốn trồng nhãn cần chú ý đến việc bờ bao, cống bọng thoát nước cho nhãn trong mùa mưa lũ. Nên trồng nhãn trên mô đất, mô đất đắp thành hình tròn rộng 60-80cm, cao 50-70cm. Đất trong mô trộn với 10-15kg phân chuồng hoai, tro trấu, 0,5kg phân lân và nên chuẩn bị mô từ 15-30 ngày trước khi trồng. Do đất ở ĐBSCL thấp nên trồng cây ăn trái phải đào mương, lên liếp. Tùy theo độ cao của vườn mà đào mương sâu hay cạn, liếp rộng hay hẹp. Thường liếp rộng 8m, mương rộng 3-4 m, sâu 1-2 m.
– Khoảng cách trồng tùy thuộc vào đất đai và mô hình trồng, có thể chọn khoảng cách thích hợp là 6x5m, 6x6m, tương đương khoảng 300-350cây/ha. Trong những năm đầu, khi cây chưa giao tán, có thể trồng xen những cây ngắn ngày như rau, đậu, đu đủ… Cách trồng: Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con, nhẹ nhàng xé bỏ bọc nylon rồi đặt bầu cây vào lỗ sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2-3cm, lấp đất lại vừa khuất mặt bầu, ém đất xung quanh gốc, cắm cọc để buộc cây con vào (để tránh rễ bị lung lay dễ làm đứt rễ, cây con phát triển kém, nếu đứt nhiều rễ, cây sẽ chết) và tưới đẫm nước, sau đó thường xuyên giữ ẩm cho cây.